Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ, nhập cuộc chuyển đổi số

Ông Dương Minh Hải, Giám đốc sản xuất Khối hàng Linh kiện, Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet.

PV: Xin anh chia sẻ về những dấu ấn phát triển của Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN trong gần 10 năm thành lập?

Ông Dương Minh Hải: Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN thành lập năm 2013, nhà máy sản xuất đi vào hoạt động năm 2015. Ban đầu, chúng tôi sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp. Sang năm 2017, được sự định hướng của Ban Lãnh đạo công ty, nhà máy chúng tôi sản xuất thêm dòng hàng nhôm linh kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp.

Từ đó đến nay, chúng tôi đã đạt được những bước phát triển và dấu ấn nhất định. Từ khi tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã cấp hàng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, hoặc xuất khẩu hàng linh kiện trực tiếp ra nước ngoài, sản phẩm của chúng tôi được xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, Canada, Australia,…. 

PV: Linh kiện cho ngành điện tử, ô tô… đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Vậy, công ty đáp ứng năng lực sản xuất như thế nào?

Ông Dương Minh Hải: Những sản phẩm linh kiện đó đòi hỏi độ chính xác rất cao từ thành phần của nguyên vật liệu, cơ tính của sản phẩm cho đến các thông số kỹ thuật trong các quá trình gia công. 

Điều này đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư những máy móc trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; những máy gia công chính xác, trung tâm gia công với độ chính xác cao, hệ thống nhiệt luyện để đạt độ cứng cho vật liệu. Ngoài ra, chúng tôi phải đầu tư các máy móc đo kiểm sản phẩm sau quá trình gia công như là máy Scan 2D, máy đo 3D, máy kiểm tra cơ tính của vật liệu.

Có thể nói, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm đa dạng đòi hỏi công nghệ rất mới, máy móc có độ chính xác cao. Do đó, chúng tôi cũng phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực để vận hành các hệ thống máy móc này. Các nhân lực cũng đòi hỏi trình độ cao và được đào tạo bài bản. 
Hiện nay ở Việt Nam nói chung, đội ngũ nhân công có trình độ cao và được đào tạo bài bản để vận hành được những máy móc thiết bị cao như vậy chưa được nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp nói chung và KIMSEN nói riêng đều gặp vấn đề về nguồn lao động chất lượng cao. 

Một khó khăn khác là công nghệ để sản xuất các loại sản phẩm linh kiện này ở nước ta hiện nay chưa chủ động được mà hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, để giải quyết khó khăn này, chúng tôi không những chủ động tìm hiểu, mày mò nghiên cứu mà còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ các hiệp hội, chuyên gia và các đối tác cung cấp máy của nước ngoài. 

PV: Để nâng cao được năng lực sản xuất, công ty còn gặp khó khăn gì trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ?

Ông Dương Minh Hải: Một máy trung tâm gia công CNC thông thường hiện nay, nếu là máy của Nhật Bản cũng khoảng 100,000 USD, máy của Hàn Quốc và Đài Loan vào khoảng 60,000-70,000 USD. Chi phí đầu tư máy móc công nghệ cao như vậy đòi hỏi tiềm lực lớn. 

Với các doanh nghiệp FDI lớn, họ đầu tư tại Việt Nam tới hàng trăm máy, thậm chí là hàng nghìn máy. Vì vậy, để cạnh tranh được, doanh nghiệp Việt rất cần tiếp cận những sự hỗ trợ về vốn đầu tư cho công nghệ, thiết bị. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ mở rộng hơn nữa các chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ. 

PV: Dù còn nhiều khó khăn nhưng KIMSEN vẫn khá thành công và có được các đơn hàng lớn. Công ty có bí quyết gì?

Ông Dương Minh Hải: Bí quyết đối với KIMSEN cũng không có gì đặc biệt. Chúng tôi luôn cầu thị nỗ lực để phát triển ngày một tốt hơn, làm được những sản phẩm khó hơn với chất lượng và chi phí cạnh tranh hơn. 

Về vấn đề chất lượng, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ yêu cầu chất lượng phải ổn định và đồng đều theo thời gian. Để làm được, chúng tôi luôn tuân thủ hệ thống kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn IATF 16949 trong ngành ô tô.

Một mặt khác như tôi đã chia sẻ, chúng tôi cũng đầu tư các trang thiết bị để đo kiểm sản phẩm như máy soi kiểm tra hàng tự động về kích thước & các thiết bị kiểm tra như máy Scan 2D, máy đo 3D; tần suất kiểm tra tăng cường với những sản phẩm yêu cầu chất lượng cao hơn.

PV: Về lâu dài, hiện nay công ty đã và đang triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất ra sao?

Ông Dương Minh Hải: Công ty KIMSEN chúng tôi là một doanh nghiệp còn khá non trẻ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và so với nền công nghiệp rất lâu đời của thế giới. 

Sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số phục vụ cho sự phát triển ổn định, lâu dài của doanh nghiệp, chúng tôi đã áp dụng phần mềm ERP để tích hợp quản lý các modules trong công ty. Đồng thời, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ cho các hoạt động tại nhà máy, tiến đến mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh. Chúng tôi cũng hy vọng chương trình này của chúng tôi sẽ thành công để góp phần vào sự phát triển của KIMSEN nói riêng cũng như sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam nói chung.

One thought on “Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ, nhập cuộc chuyển đổi số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *